Sáng 12.2.2013, Linh mục Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho các ký giả biết ĐTC Benedict XVI đã tuyên bố thoái vị vì lý do sức khoẻ. Linh mục nhấn mạnh rằng quyết định thoái vị của ĐTC không phải là do ngài mắc một chứng bệnh cụ thể nào nhưng do tình trạng sức khoẻ suy sút theo tuổi già. Linh mục còn cho biết thêm rằng trong Công Nghị Hồng Y vào sáng 11.2.2013, ĐTC đã tuyên bố: “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.”
Khi một biến cố lớn như thế xẩy ra, dĩ nhiên là có nhiều sự suy đoán khác nhau. Đa số nhấn mạnh đến sức khoẻ của ĐTC ngày càng xấu đi, chẳng hạn như báo Turin's La Stampa nói rằng trong chuyến viếng thăm Mexico vào tháng 3 năm vừa qua, ĐTC đã bị té trong đêm khi thức dậy đi vệ sinh. Sáng hôm sau, Ngài rờ đầu thì thấy có máu đông dính tóc. Tuy nhiên, cũng có một số bình luận nhảm nhí như Giáo Hoàng muốn trốn tránh trách nhiệm về vụ các linh mục xâm phạm tình dục hay vụ tài liệu mật bị tiết lộ, v.v.
Hôm 8.2.2013, cơ quan thông tin “National Catholic Reporter” cho biết ký giả Peter Seewald, người đã từng phỏng vấn ĐTC Benedict XVI để viết cuốn "Light of the World" (Ánh sáng của thế giới) có kể lại rằng vào tháng 8 năm ngoái, khi gặp ĐTC ở Castel Gandolfo, ông có hỏi rằng các tín hữu Công giáo có thể trông đợi điều gì từ ĐTC trong tương lai, ĐTC trả lời:
"Các tín đồ có thể trông đợi thêm điều gì từ tôi ư? Không nhiều lắm. Tôi là một người lớn tuổi và sức mạnh của tôi đang giảm dần. Và tôi nghĩ tôi đã cố gắng hết sức rồi.”
Đây không phải là lần thứ nhất một Giáo Hoàng thoái vị. Trong quá khứ đã xẩy ra nhiều trường hợp như vậy vì nhiều lý do khác nhau, như năm 653 ĐGH Martinô I đã bị Hoàng Đế La Mã Đông Phương là Heraclius bắt và lưu đày qua Hy Lạp; ĐGH Celestine V (1215-1296), một người rất đạo đức, được bầu làm Giáo Hoàng khi đã 84 tuổi, nhưng ngài chỉ làm được 5 tháng thì từ nhiệm; ĐGH Gregory XII (1406 đến 1415) được bầu khi tình trạng ly giáo xẩy ra nên Hoàng đế Sigismond phải triệu tập Công đồng Chung Constancia năm 1413 để giải quyết, Ngài đã tuyên bố từ chức để chấm dứt thời kỳ ly giáo, v.v.
Qua nhiều biến cố, có khi rất nghiêm trọng, nhất là trong những thời kỳ bị bách hại, ly giáo hay có sự lẫn lộn giữa thế quyền và giáo quyền…, Giáo Hội Công Giáo Roma vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Cho đến nay, Giáo Hội đã có Giáo Hoàng thứ 265 và sắp bầu Giáo Hoàng thứ 266. Trước khi nói về tiến trình bầu Giáo Hoàng mới, chúng ta thử nhìn qua tình trạng Giáo Hội Công Giáo Roma hiện nay.
HIỆN TÌNH GIÁO HỘI ROMA
Tài liệu thống kê cho biết số người theo Kitô giáo trên thế giới hiện nay là khoảng 2,18 tỷ, trong đó 26% ở Âu châu, 37% ở Mỹ châu, 24% ở Phi châu và 13% ở Á châu Thái Bình Dương. Riêng Giáo Hội Công Giáo Roma có 1.195.671.000 tín hữu, chia ra như sau:
- Số tín hữu: Châu Mỹ 586.998.000, Châu Âu 284.924.000, Châu Phi 185.620.000, Châu Á 129.661.000, Châu đại dương 9.468.000.
- Số Giám Mục: 5.104 vị.
- Số Linh Mục: 412.236 vị.
- Số tu sĩ nam nữ: 54.665 nam và 721.935 nữ.
NGÔI VỊ GIÁO HOÀNG
Trong các tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay là Kitô giáo, Hồi Giáo, Ấn giáo và Phật giáo, chỉ có Kitô giáo có Giáo Hội, còn các tôn giáo khác không có. Giáo Hội Kitô giáo do chính Chúa Jesus lập khi Ngài nói với thánh Peter: “Con là Peter, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo Ecclesiam meam, et portae inferi non praevalebunt adversus eam.) Mat (16,18).
Điều 331 Bộ Giáo Luật quy định rằng Giám Mục của Giáo Hội Roma, nơi Ngài được duy trì nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cách đặc biệt cho Phêrô, phải được chuyển tiếp cho các người kế vị Ngài, là thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục, Đại diện Đức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian.
Điều 332 quy định rằng Đức Thánh Cha nhận lãnh quyền sung mãn và tối cao trong Giáo Hội do sự bầu cử hợp lệ mà Ngài đã chấp nhận cùng với sự tấn phong Giám Mục. Nếu người đắc cử mà chưa có chức Giám Mục, thì lập tức phải được truyền chức Giám Mục.
Như vậy, tất cả những người có chức linh mục đều có thể được bầu làm Giáo Hoàng, chứ không phải chỉ riêng các Hồng Y hay Giám Mục.
Để tránh một Giáo Hoàng có thể bị bắt buộc từ nhiệm, đoạn 2 của điều 332 quy định rằng nếu xảy ra trường hợp Đức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.
Trong Giáo Luật, Giáo Hoàng Roma được gọi là “Romanus Pontifex”, tiếng Anh thường gọi là Pope và tiếng Việt dịch là Đức Thánh Cha hay Đức Giáo Hoàng. Chữ “Pontifex” theo cổ ngữ có nghĩa là Trưởng Giáo.
THỦ TỤC BẦU GIÁO HOÀNG
Thủ tục bầu Giáo Hoàng được thay đổi nhiều lần qua lịch sử. Cuộc bầu cử ĐGH Urbanô VI năm 1378 bằng cách giơ tay đã đưa tới một sự tranh chấp, tạo ra một Giáo Hoàng giả (Anti-Pope) là Clêmêntê VII, đưa đến cuộc ly khai lớn trong Giáo Hội (Great Schism 1378-1417). Sau đó lại có một vị thứ ba cũng đứng lên đòi nắm quyền kế vị Thánh Phêrô! Do đó, luật bầu cử Giáo Hoàng về sau đã được quy định rất chặt chẽ.
Thủ tục bầu hiện nay được ấn định do Tông Hiến “Universi Dominici Gregis” (Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa) được ĐTC Gioan Phaolô II ký ban hành ngày 22.2.1996 và được bổ túc do Tự Sắc (motu proprio) ngày 26.6.2007 của ĐTC Benedict XVI. Thủ tục này khá phức tạp, chúng tôi xin tóm lược những nét chính.
Sau khi ĐTC đương nhiệm qua đời hay thoái vị, Mật Nghị Hồng Y (Conclave) phải được triệu tập trong vòng 15 ngày và trễ nhất là 20 ngày. Mật Nghị sẽ do ĐHY niên trưởng triệu tập.
ĐTC Benedict XVI quyết định từ nhiệm kể từ ngày 28.2.2013 nhưng Ngài sẽ từ bỏ chức vụ kể từ ngày 27.2.2018. Như vậy Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập kể từ ngày 28.2.2013.
Các Hồng Y được quyền bầu Giáo Hoàng phải dưới 80 tuổi và không quá 120 vị. Số Hồng Y dưới 80 tuổi hiện nay có 117 vị, trong đó có 61 vị người Châu Âu, 19 vị Châu Mỹ Latin, 14 vị Bắc Mỹ, 11 vị Châu Phi, 11 vị Châu Á và 1 vị Châu Đại Dương. Nước Ý có số Hồng Y cử tri đông nhất là 21 vị. ĐHY Phạm Minh Mẫn của Việt Nam 78 tuổi cũng được dự bầu.
Trước đây, các vị Hồng Y dự bầu được cư ngụ tại tại Điện Giáo Hoàng (Papal Palace), nay sẽ cư ngụ ở Điện Domus Sanctae Marthae có đầy đủ tiện nghi hơn.
Cuộc bầu cử bắt đầu bằng một Thánh Lễ buổi sáng tại Đền Thánh Phêrô, sau đó các Hồng Y đến Nguyện Đường Sistine để bầu. Những ai không được bầu phải đi ra. Trước khi bầu, các Hồng Y phải long trọng tuyên thệ tuân theo đúng luật lệ bầu cử, tôn trọng kết qủa bầu cử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi Giáo Hội, và đặc biệt “tuyệt đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng Roma”.
Mỗi ngày có 4 lần bỏ phiếu, 2 lần buổi sáng và 2 lần buổi chiều. Cứ sau hai lần bỏ phiếu, tức 12 giờ trưa và 7 giờ chiều, khói sẽ được đốt lên ở ống khói của Nguyện Đường Sistine. Khói đen báo hiệu chưa thành và khói trằng báo hiệu đã thành.
Vì các Hồng Y dự bầu có thể bầu cho bất cứ ai có chức Linh mục, chứ không phải chỉ bầu cho các Hồng Y tham dự Mật Nghị và người được bầu phải có ít nhất 2/3 tổng số phiếu mới được coi là đắc cử, nên có khi cuộc bầu cử phải kéo dài. Kỳ bầu cử dài nhất trong lịch sử của Giáo Hội là kỳ bầu cử năm 1271, phải kéo đến 1.095 ngày mới bầu được ĐGH Grêgôriô X. Trong khi đó, cuộc bầu cử năm 1503, chỉ mất vài giờ là bầu xong ĐGH Giuliô II.
Vì những khó khăn trên, Tự Sắc ngày 26.6.2007 của ĐTC Benedict XVI quy định rằng nếu sau 33 hay 34 lần bỏ phiếu mà chưa thành, có thể chọn 2 vị có phiếu cao nhất để bầu. Hai vị này không có quyền bỏ phiếu. Kết quả vẫn vị nào đạt tới 2/3 tổng số phiếu mới được coi là đắc cử.
Khi có một vị đạt số phiều bầu, Trưởng Hồng Y Đoàn hỏi rằng ngài có chấp nhận làm Giáo Hoàng hay không, và nếu chấp nhận ngài lấy danh hiệu gì. Nếu vị đắc cử tuyên bố chấp nhận, lập tức ngài trở thành Giám Mục Giáo Phận Rôma và là Giáo Hoàng của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ.
CON ĐƯỜNG GIÁO HỘI ĐI
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy trong số 32 vị Giáo Hoàng đầu tiên, đã có tới 28 vị tử đạo. Năm vị tử đạo đầu tiên có tên như sau:
1.- Thánh Phêrô (Peter): từ năm 32 đến 67.
2.- Thánh Linus: từ năm 67 đến 76.
3.- Thánh Anacletus/Cletus: từ năm 76 đến 88.
4.- Thánh Clêment I: từ năm 88 đến 97.
5.- Thánh Evaristus: từ năm 97 đến 105.
Chúng tôi xin tóm lược lại cuộc đời của vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo Hội là thánh Phêrô để qúy vị có thể nhận thấy người được Chúa chọn và giao phó sứ mạng không như nhiều người đã tưởng.
Phêro (Peter) sinh năm đầu tiên của kỷ nguyên mới, tức cùng tuổi với Chúa Jesus. Ông sinh tại Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên bờ biển Tiberia, Palestine. Ông và Anrê là hai anh em cùng làm nghề đánh cá ở Caphanaum bên cạnh hồ Galilê (Mt,4,23). Lúc 30 tuổi, ông đã gặp Chúa Jesus qua sự giới thiệu của Anrê, được Chúa chọn làm tông đồ và đặt tên cho ông là Peter, nghĩa là đá. (Ga 1, 42). Ông đã đi theo Chúa trong suốt con đường Chúa rao giảng tin mừng, tử nạn và phục sinh.
Sau khi Chúa về trời, ông trở thành người lãnh đạo Giáo Hội đầu tiên. Ông đã cùng các môn đệ khác của Chúa đi rao giảng tin mừng khắp nơi, từ Jerusalem đến Giaffa, Cesarêa, Antiokia… Sau cùng ông đến Roma vào khoảng năm 44. Trong cuộc hành trình này, ông bị bắt bớ và giam giữ rất nhiều lần.
Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nero của Roma bắt đầu bách hại giáo dân Kitô giáo. Giáo Hoàng Phêrô cũng đã bị bắt và đưa ra hành hình.
Năm 1895 nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz đã dựa vào Kinh Thánh và bối cảnh lịch sử của đế quốc La Mã thời bạo chúa Nero cầm quyền, viết cuốn tiểu thuyết có tên là “Quo Vadis?” Cuốn tiểu thuyết này được hãng MGM dựng thành phim năm 1951, gây tiếng vang lớn.
Khi cuộc bắt bớ và giết hại các Kitô hữu xẩy ra ở Roma, nhiều người đã khuyên Phêrô rời khỏi Roma, vì ông phải tồn tại để lãnh đạo Giáo Hội. Lúc đầu ông không chịu đi, nhưng vì có sự thúc giục của nhiều người, ông đã quyết định ra đi. Một tiểu đệ đã đi theo giúp ông. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi:
- Quo Vadis, Domine? (Thưa Thầy, Thầy đi đâu?)
Chúa Jesus đáp:
- Eo Romam iterum crucifigi. (Thầy đi vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.)
Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa nên ông quay trở lại thành Roma.
Người đệ tử không được thấy cảnh Phêrô gặp Chúa Jesus, nên khi thấy ông đột nhiên quay trở lại, đã cất tiếng hỏi:
- Quo vadis, Domine? (Thưa Thầy, Thầy đi đâu?)
Phêrô trả lời:
- Eo Romam… (Thầy đi về Roma...)
Sau khi trở lại Roma một thời gian, Phêrô đã bị bắt và bị tống giam. Trong thời gian bị giam, ông đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus và cả hai đã được rửa tội và tử đạo. Ông bị kết án tử hình trên thập tự, bị dẫn tới hý trường Caligula trên đồi Vatican. Khi trông thấy thập giá, ông cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy mình, nên yêu cầu được đóng đinh treo ngược.
Giáo Hội ngày nay cũng phải tiếp tục đi theo con đường Chúa Jesus và thánh Phêrô đã đi.
MỖI THỜI ĐẠI MỘT NGÔN SỨ
Ngày 31.8.2012 ĐHY Carlo Maria Martini, TGM thành Milan, Ý, qua đời, thọ 85 tuổi. Một ngày sau đó, hãng thông tấn Reuters đã phổ biến một bản tin dưới đầu đề “In final interview, Cardinal says Church "200 years out of date" (Cuộc phỏng vấn cuối cùng, ĐHY nói “Giáo Hội lạc hậu 200 năm”.
ĐHY Martini là một nhân vật rất được yêu mến của Vatican. Ngài có quan điểm cởi mở về nhiều vấn đề nhưng được cả hai Giáo Hoàng John Paul II và Benedict XVI kính trọng.
Nhật báo Corriere della Sela của Ý đã đã đăng bài phỏng vấn cuối cùng với Ngài được thực hiện vào tháng 8. Khi đó Ngài đã nói: “Giáo hội đã mỏi mệt... các phòng cầu nguyện của chúng ta đều vắng vẻ” và “Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em (của một số linh mục) buộc chúng ta phải thực hiện một lộ trình chuyển đổi.” Theo Ngài, để vượt qua sự mỏi mệt của Giáo Hội là phải “thay đổi triệt để – bắt đầu từ Giáo Hoàng và các Giám Mục...”
Hiện nay, các cơ quan truyền thông và nhiều người đang tiên đoán ai sẽ được bầu làm Giáo Hoàng trong những ngày tới đây. Có người tiên đoán có thể là một vị ở Mỹ châu vì tại đây có số tín hữu cao nhất. Nhưng Giáo Hội Công Giáo không nghĩ như vậy. Lịch sử của dân Do Thái và của Giáo Hội cho thấy rằng mỗi thời đại sẽ có một ngôn sứ được sai đến, vì thế Giáo Hội luôn tin tưởng vào Chúa Thánh Thần:
“Anh em không cần biết đến thời giờ và thời hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bây giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Jerusalem, trong khắp các miền Judea, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 7–8)
Thánh Thần còn giúp cho các Tông Đồ đề ra những quy định sáng suốt và hợp lý để giải quyết các khủng hoảng hay các vấn đề nan giải trong Giáo Hội (Cv 15, 28)
Vì thế, trước khi bầu cử, các Hồng Y hát kinh “Veni creator Spiritus” để xin Đức Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn họ. Họ không xét đoán theo khả năng riêng của mình.
Những người tín hữu Công Giáo đang chờ đợi vị Giáo Hoàng mới với tất cả niềm tin tưởng và hy vọng.
Ngày 21.2.2013
Lữ Giang
…………………………..
Ai điều hành Vatican trong thời gian trống tòa?
(TNO) Vào lúc 20 giờ ngày 28.2, Giáo hoàng Benedict XVI sẽ không còn là giáo hoàng và Vatican sẽ bước vào thời kỳ “trống tòa” (sede vancate), nghĩa là ngôi giáo hoàng sẽ được bỏ trống. Khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai vị giáo hoàng được quy định bởi những nghi thức cổ xưa và những chức vụ thường bị quên lãng ngay cả trong chính Vatican.
Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, đây cũng là khoảng thời gian Giáo hội Công giáo phảng phất bóng hình của một mô hình dân chủ, với Hồng y đoàn hoạt động như nghị viện với các quyền lực giới hạn khi chuẩn bị bầu ra một tân giáo hoàng trong Mật nghị Hồng y.
Hồng y Tarcisio Bertone sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian trống tòa nhờ vào cương vị Giáo chủ Thị thần, chứ không phải cương vị Quốc vụ khanh
Theo Tông hiến Universi Dominici Gregis, một văn bản được cố Giáo hoàng John Paul II ban hành năm 1996 quy định các thể thức trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai vị giáo hoàng, trong thời kỳ trống tòa, mọi chức vị đứng đầu các cơ quan của Vatican đều bị ngưng chức, ngoại trừ một số ngoại lệ.
Các chức sắc còn tại vị là Giám quản Rome, người tiếp tục đáp ứng nhu cầu mục vụ của giáo dân Rome (hiện là Hồng y Agostino Vallini), Chánh tòa Ân giải Tối cao (hiện là Hồng y Manuel Monteiro de Castro) và Giáo chủ Thị thần (Cardinal Camerlengo, còn gọi là Hồng y Nhiếp chính. Các đại diện ngoại giao ở nước ngoài vẫn tiếp tục tại vị bởi họ là đại diện của Tòa thánh, chứ không phải đại diện của cá nhân giáo hoàng). Nghĩa là từ lúc 20 giờ ngày 28.2, Hồng y Tarcisio Bertone cũng sẽ không còn giữ chức Quốc vụ khanh Tòa thánh. Tuy nhiên, ngoài chức vụ Quốc vụ khanh, Hồng y Bertone còn giữ một vị trí khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian trống tòa, đó là Giáo chủ Thị thần.
Giáo chủ Thị thần cùng với Văn phòng Giáo chủ Thị thần sẽ điều hành thành quốc Vatican và phụ trách trông nom tài sản và ngân khố của Giáo hội trong thời gian trống tòa, theo Washington Post.
Trong thời gian trống tòa, Niên trưởng Hồng y đoàn (hiện là Hồng y Angelo Sodano, nguyên Quốc vụ khanh dưới thời Giáo hoàng John Paul II) sẽ chủ trì các buổi họp hằng ngày của các hồng y vốn tạm thời điều hành giáo hội.
Tuy nhiên, Hồng y Sodano hiện trên 80 tuổi và không có quyền bỏ phiếu trong mật nghị nên vị trí của ông sẽ được chuyển giao cho thành viên cao niên nhất trong số các hồng y cử tri, Hồng y Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, khi mật nghị bắt đầu.
Hồng y Bertone, tức Giáo chủ Thị thần, sẽ chủ tọa các buổi họp nhỏ hơn của nhóm các hồng y được chọn ra bằng cách bốc thăm ba ngày một lần, vốn xử lý những vấn đề ít quan trọng hơn.
Thực tế, nhiệm vụ duy nhất của nhóm các hồng y chọn lọc là “giải quyết nhanh những công việc thông thường và các vấn đề không thể trì hoãn” và chuẩn bị cho mật nghị bầu ra tân giáo hoàng.
Tại các buổi họp hằng ngày, vốn buộc có mặt mọi hồng y cử tri (dưới 80 tuổi), những người hiện đã đến Rome, các hồng y sẽ quyết định theo đa số phiếu.
Một khi Mật nghị Hồng y bầu ra tân giáo hoàng, quyền lãnh đạo Vatican sẽ được trao lại cho người đứng đầu Giáo hội Công giáo.
- Washington Post -